Ngày nay, số người mắc bệnh viêm bàng quang ngày càng nhiều. Nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cũng như cuộc sống của bạn. Nếu không được phát hiện cũng như chữa trị kịp thời, bệnh sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Để đảm bảo sức khỏe, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhanh chóng phát hiện ra bệnh cũng như phương pháp điều trị hiệu quả.
Tổng quan bệnh viêm bàng quang
Viêm bàng quang là loại bệnh phổ biến, do nhiễm trùng cấp tính từ các vi khuẩn trong bàng quang gây ra. Bệnh chiếm tới trên 50% số ca nhiễm trùng đường tiết niệu và một số trường hợp còn bị tái phát nhiều lần trong thời gian dài.
Ngoài ra bệnh còn có thể do biến chứng của bệnh khác, hoặc do một số loại thuốc, xạ trị gây ra. Bệnh để lâu sẽ dẫn đến nhiều biến chứng, mà nghiêm trọng nhất là viêm đài bể thận dẫn tới suy thận. Nếu được phát hiện và điều trị đúng cách, bệnh hoàn toàn có thể được cải thiện.
Các tác nhân gây ra viêm bàng quang
Viêm bàng quang có thể xảy ra cả ở nam giới lẫn phụ nữ, từ trẻ nhỏ đến người lớn với nhiều nguyên nhân khác nhau. Những nguyên nhân chính gây ra việc mắc viêm nhiễm bàng quang:
Viêm bàng quang do nhiễm trùng (vi khuẩn gây ra)
Vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập thông qua niệu đạo vào trong đường tiểu, bắt đầu sinh trưởng, phát triển khiến cho nhiễm trùng đường tiết niệu. Hầu hết, viêm bàng quang là do vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) gây ra. Một số loại vi khuẩn khác cũng có khả năng gây bệnh như proteus, enterococcus faecalis, klebsiella, mycoplasma, chlamydia, trực khuẩn mủ xanh hoặc tụ cầu vàng.
Viêm nhiễm bàng quang không do nhiễm trùng
Một số ít trường hợp bệnh xảy ra không liên quan đến việc nhiễm trùng:
- Viêm bàng quang kẽ: Là tình trạng viêm mạn tính hay còn được gọi là hội chứng đau bàng quang mà nguyên nhân gây ra của bệnh này vẫn chưa được biết, chủ yếu nữ giới mắc phải. Với tình trạng này thì việc chẩn đoán, điều trị rất khó.
- Viêm do thuốc gây ra: Một vài loại thuốc hóa trị như ifosfamide, cyclophosphamide có thể ra căn bệnh này. Nếu trong quá trình điều trị có xảy ra các phản ứng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để theo dõi thêm tình trạng.
- Viêm do bức xạ: Việc điều trị , trị xạ bằng tia phóng xạ ở vùng xương chậu gây ra phản ứng viêm tại bàng quang.
- Viêm do tác nhân bên ngoài: Việc sử dụng ống thông tiểu trong một khoảng thời gian dài sẽ dẫn tới khả năng dễ bị nhiễm khuẩn, gây tổn thương các mô làm cho nhiễm trùng bàng quang xảy ra.
- Viêm do các chất hóa học: Việc mẫn cảm với các hóa chất trong các sản phẩm vệ sinh hàng ngày như xà bông, sữa tắm, dung dịch vệ sinh,…có thể bị dị ứng, gây viêm trong bàng quang. Vì vậy, khi lựa chọn dung dịch vệ sinh hay thuốc diệt tinh trùng, bạn cần lưu ý thành phần và chất lượng sản phẩm.
- Do các vấn đề sức khỏe khác: Các biến chứng từ một vài bệnh lý khác như sỏi thận, đái tháo đường, phì đại tiền liệt tuyến hay tổn thương tủy sống cũng là nguyên nhân gây viêm trong bàng quang.
Các yếu tố nguy cơ gây viêm
- Giới tính: Thông thường, phụ nữ dễ mắc phải căn bệnh này hơn đàn ông. Bởi lẽ, niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn, khiến cho các mầm bệnh, vi khuẩn xâm nhập vào bên trong dễ dàng hơn.
- Sử dụng biện pháp phòng tránh thai: Một vài biện pháp như màng cao su, thuốc tránh thai cũng là một trong các nguyên nhân ra nhiễm trùng bàng quang. Thuốc tránh thai có thể sẽ gây ra tác dụng phụ, khiến cho việc bài tiết bị cản trở, làm thay đổi hệ vi khuẩn trong cơ quan sinh dục.
- Đang mang thai hoặc trong quá trình tiền mãn kinh.
- Vệ sinh kém: Đây cũng là nguyên nhân khiến vi khuẩn phát triển nhanh hơn, đặc biệt trong kỳ kinh nguyệt. Việc ít thay băng vệ sinh cũng dễ bị viêm nhiễm.
- Dùng vòi hoa sen xịt trực tiếp vào âm đạo: Điều này khiến hệ vi khuẩn bị mất cân bằng, là nguồn gốc gây ra bệnh viêm nhiễm bàng quang.
- Có sỏi ở trong đường tiết niệu hay phì đại tiền liệt tuyến.
- Hệ miễn dịch suy yếu do bệnh lý như đái tháo đường, … hoặc điều trị ung thư.
Triệu chứng và dấu hiệu của bệnh viêm bàng quang
Các triệu chứng của bệnh
Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm bàng quang bạn sẽ thường gặp bao gồm:
- Có cảm giác buồn đi vệ sinh thường xuyên, gấp gáp
- Khi đi tiểu bị nóng rát, đi tiểu liên tục và lượng nước tiểu ít
- Có máu trong nước tiểu hoặc nước tiểu đục, mùi khó chịu
- Khó chịu tại vùng xương chậu
- Bị sốt nhẹ
Ở trẻ nhỏ, tình trạng ướt đồ lót hoặc quần giống như đái dầm vào ban ngày có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Còn việc đái dầm ở trẻ vào ban đêm thường không liên quan đến căn bệnh này.
Các biến chứng của bệnh
Viêm bàng quang nếu không điều trị kịp thời, đúng cách sẽ khiến cho người bệnh gặp phải các biến chứng nguy hiểm như:
- Tiểu ra máu: Khi bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân có thể đi tiểu ra máu nguyên nhân do niêm mạc bàng quang bị phù nề xuất huyết.
- Viêm đài bể thận: D vi khuẩn từ bàng quang di chuyển ngược lên phía trên thận gây viêm thận, tạo thành các vết sẹo xơ nhu mô thận làm giảm các chức năng của thận.
- Dễ bị vô sinh, hiếm muộn: Ở nam giới, đường bài tiết nước tiểu ở niệu đạo cũng là đường xuất tinh, có mối liên hệ mật thiết với nhau giữa đường tiết niệu và đường sinh dục. Viêm nhiễm ở đường tiết niệu sẽ dễ làm lây lan sang cơ quan sinh dục nam như mào tinh, tinh hoàn, ống dẫn tinh làm suy giảm khả năng sinh sản, dễ bị hiếm muộn.
- Bàng quang tăng hoạt: Tình trạng bệnh viêm bàng quang kéo dài, tái phát nhiều lần sẽ dẫn tới các biến chứng tới cơ bàng quang, thần kinh gây ra tình trạng bàng quang tăng hoạt, giảm khả năng chứa nước tiểu trong bàng quang khiến cho đi tiểu nhiều với lượng ít.
Phương pháp để chẩn đoán viêm bàng quang
Ngoài việc hỏi về tiền án bệnh, thăm khám, các bác sĩ có thể thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán bệnh như:
- Xét nghiệm nước tiểu: Khi nghi ngờ có dấu hiệu nhiễm khuẩn ở bàng quang, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh lấy mẫu nước tiểu để kiểm tra trong nước tiểu có sự xuất hiện của các tế bào bạch cầu, phản ứng nitrit, tế bào máu. Một số trường hợp cần thiết còn nuôi cấy tìm vi khuẩn.
- Nội soi bàng quang: Một ống soi dài được đưa qua niệu đạo vào bàng quang nhằm thu được hình ảnh bên trong, hỗ trợ các bác sĩ quan sát, đánh giá tổn thương trong bàng quang. Khi nội soi, bác sĩ có thể lấy được một mẫu mô nhỏ ra ngoài để làm xét nghiệm trong phòng thí nghiệm (gọi là sinh thiết).
- Xét nghiệm hình ảnh: Chụp X-quang, siêu âm sẽ giúp các bác sĩ phát hiện ra bất thường của đường tiết niệu như phì đại tuyến tiền liệt, sỏi bàng quang, hẹp niệu đạo….
Phương pháp hiệu quả chữa trị viêm bàng quang
Với tình trạng viêm bàng quang, lựa chọn đầu tiên trong phác đồ điều trị điều trị là sử dụng thuốc kháng sinh. Các loại thuốc thường được các bác sĩ chỉ định để điều trị là nitrofurantoin, amoxicillin, sulfamethoxazole, ciprofloxacin, trimethoprim. Dựa vào trình trạng bệnh cũng như nguyên nhân gây bệnh mà có các phương pháp điều trị riêng:
Điều trị bệnh do nhiễm trùng
Các loại thuốc kháng sinh được kê đơn sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe cũng như loại vi khuẩn được phát hiện có trong nước tiểu. Thời gian điều trị thường khoảng 1 tuần. Trong thời gian này, bạn cần uống thuốc đúng và đủ theo đơn thuốc của bác sĩ để đảm bảo vi khuẩn được tiêu diệt nhanh chóng và hoàn toàn.
- Nhiễm khuẩn lần đầu: Người bệnh chỉ cần dùng kháng sinh trong 3 ngày. Những triệu chứng của bệnh có được cải thiện đáng kể sau 1 ngày dùng kháng sinh.
- Nhiễm khuẩn tái phát: Sau khi chữa trị cấp viêm bàng quang, người bệnh có thể phải dùng tiếp kháng sinh dự phòng sau khi giao hợp hoặc kháng sinh liều thấp mỗi ngày trong 3 đến 4 tuần.
- Viêm bàng quang mắc phải ở bệnh viện: Trường hợp này khá phức tạp do các vi khuẩn kháng thuốc.
- Phụ nữ mãn kinh: Có thể sử dụng thêm loại thuốc estrogen dạng kem.
Điều trị viêm bàng quang kẽ
Do nguyên nhân gây ra không rõ ràng nên sẽ không có phương pháp điều trị tiêu chuẩn. Các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp giúp giảm bớt triệu chứng như:
- Chỉ định tiêm trực tiếp vào bàng quang hoặc sử dụng thuốc uống.
- Phẫu thuật hoặc sử dụng một số thủ thuật tác động lên bàng quang để cải thiện triệu chứng.
- Kích thích hệ thần kinh, sử dụng xung điện nhẹ làm giảm đau vùng chậu và cải thiện số lần đi tiểu tiện
Điều trị bệnh viêm bàng quang không do nhiễm trùng
Với các triệu chứng viêm bàng quang không do nhiễm trùng, bạn cần xác định được nguyên nhân gây ra viêm. Nếu mẫn cảm với các chất có trong dung dịch vệ sinh thì bạn hãy tránh dùng, đổi sang sử dụng các sản phẩm thay thế khác. Nếu tình trạng viêm là do biến chứng từ một bệnh lý khác hoặc do trị xạ, hóa xa, các bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị bệnh, kiểm soát các cơn đau bằng các phương thức khác như sử dùng thuốc.
Phòng ngừa viêm bàng quang
Dưới đây là những biện pháp được khuyến khích mọi người thực hiện khi muốn ngăn ngừa nhiễm trùng ở đường tiết niệu:
- Uống nhiều nước, đặc biệt trong quá trình hóa trị hay xạ trị. Mỗi người nên uống mỗi ngày từ 1,5 – 2 lít nước. Uống đủ nước sẽ giúp hệ bài tiết hoạt động tốt, tránh tình trạng nước tiểu ứ đọng, hạn chế viêm nhiễm.
- Hạn chế uống cà phê, nước cam, rượu, trà, nước chanh; tránh các đồ ăn cay nóng, vì chúng có thể làm kích thích bàng quang, gây cảm giác khó chịu.
- Đi tiểu tiện ngay khi thấy buồn, không cố gắng nhịn quá lâu dễ gây ra sỏi.
- Sau khi đi đại tiện, nên rửa sạch và lau từ trước ra sau tránh vi khuẩn từ hậu môn lan đến âm đạo vào niệu đạo.
- Nếu hay bị nhiễm trùng đường tiểu, thay vì tắm bồn, hãy tắm đứng.
- Rửa sạch vùng da xung quanh âm đạo, hậu môn hàng ngày. Không nên sử dụng các dung dịch vệ sinh chứa chất tẩy rửa quá mạnh vì dễ gây kích ứng.
- Sau khi quan hệ tình dục, đi vệ sinh càng sớm càng tốt và có thể uống thêm ly nước đầy để giúp loại bỏ vi khuẩn ra khỏi cơ thể.
- Cần giữ vệ sinh trong thời kỳ kinh nguyệt, thường xuyên thay băng vệ sinh.
- Dùng khăn, túi chườm nóng vùng bụng sẽ giúp làm giảm sự căng tức hoặc đau bàng quang.
- Không nên mặc quần áo quá chật vì nó khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao, gây ẩm vùng kín, tạo điều kiện cho các vi khuẩn phát triển.
Kết luận
Viêm bàng quang rất dễ gặp phải và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Vì vậy, khi có biểu hiện hay có nghi ngờ về bệnh, bạn cần đi khám ngay để có được những lời khuyên hữu ích từ các bác sĩ nhé.