Đậu nành – thực phẩm giàu dinh dưỡng, giá thành rẻ, cách chế biến đơn giản nên được nhiều gia đình lựa chọn sử dụng. Cùng tìm hiểu một số thông tin về loại ngũ cốc đặc biệt này ngay dưới đây.
Các chất dinh dưỡng tốt có trong đậu nành
Đậu nành là loại hạt được lấy từ cây đỗ tương có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Đậu phụ, sữa đậu, bột đậu…đều là những món ăn quen thuộc được chế biến từ nó. Đây là loại cây nông nghiệp có giá trị cao về kinh tế nhưng đồng thời cũng rất giàu dưỡng chất.
Một số thông tin về cây đậu nành
- Tên khoa học: Glycine max
- Tên gọi khác: Đỗ tương, đậu tương
- Nguồn gốc: Đông Á
Hiện nay ở Việt Nam đậu nành hay đỗ tương được trồng nhiều ở Đồng Bằng Sông Cửu Long các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp. Ở phía Bắc tập trung canh tác ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn…
Thành phần dinh dưỡng tốt trong đỗ tương
Đỗ tương được sử dụng rộng rãi hằng ngày tuy nhiên thành phần dinh dưỡng của loại hạt này không phải ai cũng biết. Theo nghiên cứu, đậu tương là một loại protein hoàn chỉnh vì nó chứa tới 9 loại axit amin thiết yếu cơ thể con người không thể tự tạo ra được. Các thành phần cụ thể gồm có.
Protein
Đỗ tương cung cấp hàm lượng Protein thực vật dồi dào, hàm lượng Protein trong đậu tương đương với trong thịt. Conglycinin và Glycinin là hai loại protein chính, chiếm 80% tổng hàm lượng protein tìm thấy trong loại đậu này. Protein trong đậu nành hỗ trợ giảm Cholesterol an toàn và lành mạnh.
Vi chất dinh dưỡng
Các loại khoáng chất và vitamin tốt trong đậu tương bao gồm: Molypden, Vitamin K1, Vitamin B9, Mangan, Phốt pho, Vitamin B1, Canxi, Sắt, vitamin C…đây đều là các dưỡng chất có vai trò quan trọng hỗ trợ hoạt động hiệu quả của nhiều chức năng trong cơ thể.
Chất béo
Đỗ tương là nguyên liệu để sản xuất ra dầu đậu do nó nằm trong nhóm các loại “hạt có dầu” giống như lạc hoặc vừng. Chất béo chiếm khoảng 18% trọng lượng, chủ yếu là chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa. Hàm lượng chất béo bão hòa chiếm tỷ lệ thấp.
Các hợp chất thực vật khác
Trong hạt đậu tương còn chứa nhiều hợp chất thực vật khác như: Isoflavone tốt cho sức khỏe, chống oxy hóa. Saponin giúp giảm cholesterol động vật…
Bên cạnh các dưỡng chất kể trên, đậu nành cũng cung cấp hàm lượng chất xơ và chất đạm, một số loại enzym tiêu hóa… rất dồi dào. Nhờ vào các dưỡng chất trên mà nó mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe con người.
Lợi ích của đậu nành với sức khỏe người dùng
Đỗ tương được mệnh danh là “ Ông Hoàng trong các loại cây họ đậu”. Là loại hạt mang lại giá trị dinh dưỡng cao nên được khuyến khích bổ sung thường xuyên. Một số lợi ích nó mang lại cho sức khỏe kể đến.
Đậu nành rất tốt cho hệ tim mạch
Isoflavone trong đậu hỗ trợ cải thiện độ đàn hồi của mạch máu và giảm viêm – đây là 2 yếu tố rất quan trọng để có một trái tim khỏe mạnh. Các thành phần khác như omega 3, omega 6 trong đậu tương cũng giúp ngăn ngừa tắc nghẽn mạch máu, hạn chế sự hình thành cholesterol xấu trên thành mạch,…
Sử dụng đỗ tương hợp lý sẽ giúp giảm 15% nguy cơ tử vong do các bệnh liên quan đến tim, nguy cơ đột quỵ được giảm xuống 20% và nguy cơ mắc bệnh tim giảm 16%. Hàm lượng Protein thực vật giúp phòng ngừa cao huyết áp và nguy cơ mắc xơ vữa động mạch.
Giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư
Ở Việt Nam và trên cả thế giới hiện chưa có phương pháp điều trị ung thư triệt để, đây cũng là một trong các bệnh dẫn đến tử vong hàng đầu nước ta. Quá trình sử dụng đậu nành sẽ giúp giảm nguy cơ ung thư vú ở nữ giới và ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới. Bên cạnh đó lunasin và isoflavone giúp phòng ngừa nhiều bệnh ung thư tiềm tàng.
Đẹp da và ngăn cản quá trình lão hóa
Ngoài vi chất dồi dào, thành phần trong đỗ tương còn có tác dụng phòng ngừa sự hình thành các gốc tự do, cung cấp độ ẩm cho da…giúp da đàn hồi tốt hơn và luôn căng sáng mịn màng.
Đậu tương sản sinh ra tinh chất estrogen giúp hình thành cấu trúc mỡ dưới làn da hạn chế sự xuất hiện của các nếp nhăn. Bên cạnh lợi ích với làn da, nó còn giúp cải thiện các vấn đề liên quan đến tóc như gãy rụng, xơ rối…
Tăng cường sức khỏe xương khớp
Trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu về tác dụng của đậu nành với hệ xương khớp. Đặc biệt ở người già và phụ nữ đang chuẩn bị bước vào giai đoạn tiền mãn kinh. Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Tối ưu cùng với Đại học Y Copenhagen – Đan Mạch cho thấy hàm lượng canxi có trong đậu vô cùng hữu ích với hệ xương khớp.
Để ngăn ngừa tình trạng lão hóa xương sớm và giúp xương thêm chắc khỏe nên bổ sung từ 140g – 440g đậu nành mỗi ngày.
Ngoài những lợi ích kể trên đỗ tương còn là thực phẩm cung cấp dưỡng chất tốt cho người bị tiểu đường, người béo phì. Sử dụng hàm lượng đậu nành đúng cách mỗi ngày giúp điều hòa huyết áp, cải thiện trí nhớ, giảm các triệu chứng tiền mãn kinh…và bổ sung đầy đủ năng lượng cho cơ thể mỗi ngày.
Ăn đậu tương nhiều có tốt không?
Công dụng mà đậu tương mang lại cho sức khỏe của con người là không thể bàn cãi. Tuy nhiên, sử dụng đậu tương quá nhiều, sử dụng không đúng cách hoặc quá lạm dụng không những không mang lại hiệu quả mà vô tình mang lại nhiều tác hại với cơ thể.
Gây bệnh sỏi thận
Bên cạnh các dưỡng chất tốt, đậu nành chứa một chất gây ra sỏi thận là oxalat. Chất này không có khả năng chuyển hóa, nó kết hợp với canxi và sinh ra sỏi thận.
Thiếu i-ốt
Saponin trong đỗ tương làm cho quá trình bài tiết i-ốt trong cơ thể diễn ra nhanh hơn. Nếu sử dụng loại đậu này trong thời gian dài với hàm lượng lớn sẽ sinh ra nhiều bệnh liên quan đến thiết i-ốt.
Đầy hơi và tiêu chảy
Đậu nành có thể gây ra một số vấn đề về hệ tiêu hóa đối với nhóm người nhạy cảm. Do chất xơ không hòa tan – alpha-galactosidase dễ gây nên các hiện tượng như đầy hơi và tiêu chảy.
Chức năng hoạt động của tuyến giáp bị ức chế
Tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều tiết chuyển hóa nhiệt và tốc độ cơ thể. Tuy nhiên hàm lượng isoflavone hấp thụ vào cơ thể quá cao sẽ làm quá trình sản xuất hormone tuyến giáp bị hạn chế. Lâu dần sẽ gây ra mệt mỏi, ăn không ngon miệng.
Bệnh Gout tái phát
Những người bị bệnh Gout nên chú ý khi sử dụng loại đậu này. Quá trình đào thải Purin trong đậu nành có thể khiến bệnh phát tác.
Ảnh hưởng hormone sinh dục nam
Nam giới sử dụng đậu tương hoặc các sản phẩm từ đậu tương có thể bị rối loạn chức năng sinh dục. Một số biểu hiện rõ thấy: chất lượng tinh trùng giảm, giảm ham muốn… Đây là nghiên cứu được đưa ra bởi nhà dinh dưỡng học Ấn Độ – Neha Sanwalka.
Để thực phẩm phát huy tốt lợi ích của nó phải đảm bảo chế độ ăn, cách chế biến hợp lý. Tùy vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe khác nhau mà nhu cầu dưỡng chất cần hấp thụ trong đậu nành của mỗi người cũng khác nhau.
Những lưu ý khi sử dụng sữa đậu nành cần nhớ
Sữa đậu là một trong những thức uống ưa thích của nhiều người được chế biến từ đậu nành. Sữa đậu rất tốt cho hệ tim mạch, hệ xương, hỗ trợ giảm trừ chất béo xấu và giảm cân, hỗ trợ cân bằng nội tiết tố cho phụ nữ…Để sữa đậu phát huy tốt và hạn chế những tác nhân xấu, khi sử dụng cần lưu ý các điều sau:
- Sữa đậu cần được nấu chín kỹ trước khi uống để tránh tình trạng bị ngộ độc dẫn đến khó thở, buồn nôn…
- Uống quá nhiều sữa đậu nành ở cùng một thời điểm có thể gây thừa chất
- Sữa đậu với trứng không nên sử dụng chung vì chất Trypsin sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng của 2 loại thực phẩm trên.
- Không thêm đường đỏ vào sữa đậu sẽ làm mất chất dinh dưỡng trong đậu, có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa và quá trình hấp thụ của cơ thể
- Sữa đậu nành không nên bảo quản trong phích kín hoặc bình giữ nhiệt vì dễ sinh ra vi khuẩn và gây biến chất.
- Không uống sữa đậu lúc đói, lúc này cơ thể khó hấp thụ hoàn toàn được chất dinh dưỡng.
Sữa đậu dù tốt nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng. Những ai gặp các vấn đề về đường tiêu hóa, người bệnh sau phẫu thuật, người bệnh gout hoặc đang phải sử dụng thuốc kháng sinh, người thiếu kẽm, sỏi thận….không nên sử dụng sữa đậu nành để tránh phản ứng xấu trong cơ thể.
Một số một số cách chế biến đậu nành ngon
Đỗ tương tươi luộc là một trong những món ăn khoái khẩu của nhiều người. Để các bữa ăn với đậu nành không bị đơn điệu và chán. Bạn có thể tham khảo một số cách chế biến khác nhau của đậu ngay dưới đây.
Sữa đậu nành
Thức uống dinh dưỡng từ đỗ tương này đã trở nên vô cùng quen thuộc. Cách làm và nguyên liệu cũng rất đơn giản, bạn hoàn toàn có thể làm tại nhà.
- Nguyên liệu: 400g đậu, 60g đường, 3 lít nước và 50g lá dứa
- Cách thực hiện: Đậu nành sau khi mua về rửa sạch, bỏ những hạt hỏng, ngâm qua đêm. Sau đó vò đậu tróc hết vỏ, bỏ vỏ và rửa sạch lại với nước.
Đậu đã tróc vỏ xay nhuyễn với 1,5 lít nước. Cho hỗn hợp đậu vừa xay ra túi lọc tách bã. Nước đậu sau khi đã lọc pha thêm cùng 1,5 lít nước và lọc lại một lần nữa.
Toàn bộ phần nước đậu nành đã được lọc sẽ cho vào nồi đun, thêm chút lá dứa cho thơm. Khi nước đã sôi sẽ vặn nhỏ đun tiếp từ 20-25 phút thì tắt bếp. Nhấc ra và để nguội. Khi uống có thể thêm một chút đường trắng cho tăng vị ngọt.
Đây là cách nấu sữa đậu truyền thống nhất. Từ công thức này bạn có thể sáng tạo thêm các món khác với sữa đậu như sữa chua đậu, sữa đậu mè đen hay sữa đậu lá dứa để thay đổi hương vị.
Bã đậu nành
Bã đậu sau khi lọc lấy nước xong đừng vội bỏ đi. Chúng có thể chế biến thành rất nhiều món ngon và lạ miệng. Phần bã đậu khô có thể trộn cùng thịt, bột mì thêm hành tỏi và gia vị, vo viên tròn vừa ăn sau đó đem đi chiên. Món ăn này rất hao cơm đó.
Chả lá lốt cuốn bã đậu rán là món chay quen thuộc. Chỉ cần trộn hỗn hợp gồm mộc nhĩ, bã đậu, hành lá và đậu Hà Lan sau đó cuốn lá lốt rán. Chấm tương ớt hoặc tương đen đến lại hương vị cực ngon.
Đậu phụ
Đậu phụ hay đậu hũ là một chế phẩm khác từ đậu nành. Từ đậu phụ có thể làm ra rất nhiều món ăn ngon khác nhau như đậu rán, đậu sốt cà chua, đậu nhồi thịt, đậu sốt cay, đậu chiên sả ớt… Một thực phẩm phù hợp với cả người ăn chay và ăn mặn. Chỉ với một loại hạt thông thường đã chế biến được rất nhiều món ăn đa dạng và dinh dưỡng.
Đậu nành là thực phẩm vừa giàu dưỡng chất vừa dễ chế biến. Bổ sung loại hạt này mỗi ngày với hàm lượng đúng và đủ sẽ mang lại một cơ thể dẻo dai và khỏe mạnh.